6 bước cải thiện mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu

mẹ chồng nàng dâu

“Tôi yêu chồng, nhưng mẹ anh ấy thì…”; “Tại sao con dâu của tôi không như tôi?”; “Từ lúc chuẩn bị đám cưới cho đến những ngày kỷ niệm, tôi không nhận được điều gì ngoài sự gai góc ở nơi tôi đang sống”… Đó là những điểm chung quen thuộc của những người đang gặp rắc rối trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Tại sao người ta thường khuyên nhau hãy bỏ qua mọi chuyện để cải thiện mối quan hệ đang đi vào bế tắc này?

Thật không may, hầu như ai cũng phải đối mặt với những tình huống xung đột giữa mẹ chồng nàng dâu nhưng vì nhiều lý do, không ai trong số họ sẵn sàng bỏ qua quan điểm cá nhân để lắng nghe ý kiến của người còn lại. Ví dụ, trường hợp của chị Bình An – quận 2, TP. HCM chia sẻ: “Tôi rất quý bạn gái của con trai tôi nên tôi rất vui vẻ khi chúng nó lên kế hoạch đám cưới. Tôi đã xem bạn gái của con tôi như con gái ruột trong nhà. Nhưng tôi thật sự hụt hẫng khi cô ấy không để tôi tham gia vào việc lên kế hoạch đám cưới. Và con trai tôi dường như không quan tâm đến sự ngăn cản này. Sau đó, mọi thứ trong mối quan hệ của chúng tôi bắt đầu thay đổi. Đến khi chúng tôi ngồi lại nói chuyện với nhau, cô ấy làm như mình là một nạn nhân và hoàn toàn vô tội trong tất cả mọi việc”.

Một trường hợp khác là của chị Thúy Hạnh – quận Gò Vấp, TP. HCM. Chỉ khác đây là rắc rối phát sinh với bố chồng. Chị tâm sự: “Tôi nghĩ ông ấy không cố tình làm tổn thương ai cả, nhưng ông ấy luôn làm mọi việc theo ý mình và muốn mọi người phục tùng theo. Và khi tôi làm gì đó không đúng ý, dường như ông ấy coi đó là một việc rất nghiêm trọng. Ví dụ trong một lần tôi và chồng cố gắng giải thích cho ông ấy hiểu về tầm quan trọng của việc gắn kết gia đình trong các kỳ nghỉ để giáo dục con nhỏ thì ông ấy gạt phắt đi và quát ầm lên. Chồng tôi cảm thấy tổn thương và họ bắt đầu có khoảng cách. Điều đáng buồn hơn nữa là bố chồng tôi luôn cho rằng tôi là nguyên nhân của mọi việc. Từ đó, vợ chồng tôi cũng có nhiều căng thẳng xảy ra. Nó giống như gợn sóng cứ lan rộng ra khi bạn ném một hòn đá xuống mặt hồ đang phẳng lặng nhưng tôi không có cách nào rõ ràng để giải quyết nó”.

mẹ chồng nàng dâuMối quan hệ giữa nhà chồng và nàng dâu có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc vợ chồng. Và nếu bạn đang gặp rắc rối trong mối quan hệ này thì hãy thử những cách giải quyết hữu ích dưới đây:

1. Chấp nhận bản chất của mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu và xem những thiếu sót của đối phương như một phần trong cuộc sống của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ thỏa hiệp với mọi sự “đàn áp” và sai trái của đối phương nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn tìm cách chung sống hòa bình với những sai lầm nhỏ.

2. Điều chỉnh bản thân để thích nghi với truyền thống gia đình chồng. Cách này không có nghĩa là khi lấy chồng và sống cùng nhà chồng, bạn sẽ trở thành một người hoàn toàn khác. Nhưng ở mỗi nơi sẽ có một phong cách sống khác nhau và nó sẽ không hoàn toàn giống với gia đình bạn. Hãy tôn trọng cách nấu ăn của mẹ chồng hoặc sở thích của những thành viên khác trong gia đình chồng. Không chê bai, dè bỉu là bước đầu tiên để ghi điểm với mẹ chồng.

3. Tránh gây tổn thương cảm xúc. Hầu hết những lần xung đột giữa mẹ chồng – nàng dâu đều bắt nguồn từ khi cảm xúc của một trong hai (hoặc cả hai) người bị tổn thương. Điều khó khăn là sự tổn thương này xảy ra do người kia vô tình hoặc cố ý và chúng ta không thể kiểm soát được. Nhưng nếu luôn chú ý đến việc tôn trọng cảm xúc của nhau thì bạn sẽ hạn chế được rất nhiều tình huống làm tổn thương cảm xúc của người kia.

4. Tôn trọng là từ khóa tiếp theo. Chúng ta cần tôn trọng mọi điều trong cuộc sống của nhau, đặc biệt là sự khác biệt và sự riêng tư. Mỗi người là một cá thể không giống nhau. Vì thế, sự khác biệt là điều tồn tại hiển nhiên và bạn phải tôn trọng nó. Một gợi ý cụ thể hơn là bạn hãy thử tôn trọng cách cha mẹ hoặc con cái tận hưởng kỳ nghỉ lễ theo cách riêng của họ.

5. Thỏa hiệp là từ khóa kế tiếp. Điều này thực sự khó khăn, khi chúng ta cảm thấy mình đúng, còn người khác sai. Nhưng nếu bạn cố gắng làm chủ suy nghĩ, bạn sẽ nhận ra rằng ở một khía cạnh nào đó, chúng ta đang có chung một quan điểm là làm cho mọi thứ trong gia đình diễn ra theo chiều hướng thuận lợi, suôn sẻ hơn.

6. Và cuối cùng, đừng đặt con cái vào giữa khi xảy ra mâu thuẫn. Có thể bạn cảm thấy rằng những đứa con hoặc chồng của mình (cũng là con/cháu của bà) là giải pháp duy nhất để giành chiến thắng trong mỗi cuộc mâu thuẫn. Nhưng đó là suy nghĩ sai lầm. Khi bạc chỉ trích chồng/con của mình trước mặt bà, bạn càng khiến bà phải tìm cách bảo vệ “nạn nhân”. Điều đó vô tình khiến bà càng nghĩ rằng bạn chính là khởi đầu của mọi rắc rối và tạo sự rạn nứt trong mọi mối quan hệ tình cảm trong nhà.

Có thể bạn không cần phải yêu mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu nhưng bạn phải sống với họ. Kể cả khi nếu mâu thuẫn dâng cao đến mức hai bên cắt đứt mọi liên lạc với nhau thì bạn vẫn sống trong mối quan hệ đó. Vì thế, hãy cố gắng tìm ra những những điểm tích cực để vun đắp. Như thế sẽ tốt hơn là việc bạn luôn bị mắc kẹt ở những điều gây tổn thương, đau đớn cho tinh thần và cảm xúc của bạn.

Trương Phương Đài/ HELLO BACSI

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • 7 điều bạn cần mạnh mẽ hơn để bảo vệ hạnh phúc gia đình
  • 10 khác biệt giữa gia đình tốt và gia đình thông thái
  • 8 dấu hiệu bạn có thể đưa mối quan hệ tiến xa hơn
Nguồn tham khảo

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-couch/201212/take-my-mother-in-law-6-steps-good-in-law-relationships

Improve in-law relationship

https://brightside.me/inspiration-relationships/4-relationship-rules-you-should-never-break-363410/

https://brightside.me/inspiration-relationships/the-six-best-ways-to-improve-your-relationship-140505/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *